Thường vụ Quốc hội chất vấn Thống đốc về nợ xấu
- Thống đốc giải trình vụ bầu Kiên bị bắt / Cần 'tiền tươi thóc thật' để xử lý nợ xấu
Quyết định vừa được cơ quan thường trực của Quốc hội đưa ra sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu giữa hai kỳ họp, ý kiến thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 7 kết thúc hồi tháng 6 cũng như qua kiến nghị của cử tri cả nước mới đây trước vấn đề tỷ lệ nợ xấu gia tăng.
Xử lý nợ xấu (các khoản nợ dưới chuẩn, bị nghi ngờ hoặc có khả năng mất vốn) được xem là yêu cầu bức thiết giúp khơi thông dòng vốn cung ứng cho nền kinh tế. Từ giữa năm ngoái, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã ra đời, thực hiện mua nợ xấu của các ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt, nhờ đó các khoản nợ xấu sẽ được đưa ra ngoại bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng và được tái cơ cấu. Doanh nghiệp có khoản nợ được mua và tái cơ cấu sẽ có có cơ hội vay vốn ngân hàng trở lại. Ngân hàng cũng có thể dùng trái phiếu đặc biệt nhận từ VAMC để tiếp cận các nguồn vốn mới cung ứng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên cách xử lý nợ này được đánh giá là chưa đủ mạnh để phá băng dòng vốn đang tắc nghẽn, đến đầu tháng 9, VAMC mới mua được số nợ có giá trị sổ sách khoảng 59.500 tỷ đồng, trong khi nợ xấu ước tính đến 30/6/2014 khoảng 150.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm ngoái là 3,61% đã tăng lên mức 4,17% cuối tháng 6 năm nay và 4,3% vào cuối tháng 8 theo công bố của Thống đốc.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn lần thứ 2 trước Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ này. |
Bên cạnh vấn đề nợ xấu, ông Nguyễn Văn Bình cũng sẽ giải trình việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015 cũng là vấn đề được các đại biểu dự kiến đặt câu hỏi với Thống đốc. 8 tháng đầu năm, tín dụng mới tăng trưởng 4,5% trong khi mục tiêu cả năm là 12-14%. Thị trường ngân hàng đang xảy ra tình trạng ngân hàng thừa vốn không thể cho vay còn doanh nghiệp đói vốn mà không thể vay được, mà nợ xấu là một nguyên nhân quan trọng, bên cạnh sức cầu yếu.
Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ của mình ông Nguyễn Văn Bình đăng đàn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 8/2012, ông Bình trình bày về tình hình sức khỏe của hệ thống tín dụng và giải trình về vụ bắt bầu Kiên (nguyên Phó chủ tịch Ngân hàng ACB).
Danh sách chất vấn tại phiên họp thường vụ lần thứ 31 còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang với nhóm vấn đề quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nội dung xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai dự kiến cũng được dành cho Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.
Tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan còn có bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an và Tổng thanh tra Chính phủ
Thời gian để mỗi tư lệnh trả lời chất vấn dự kiến là nửa ngày. Phiên họp thường vụ lần này dự kiến diễn ra từ 22 đến 30/9.
Chí Hiếu