Vinh Sử: 'Tôi hạnh phúc vì được Đàm Vĩnh Hưng giúp sửa nhà'
- Đàm Vĩnh Hưng sửa mới nhà cho nhạc sĩ Vinh Sử / Không gian sống chật hẹp của 'vua nhạc sến' Vinh Sử
- Ông chia sẻ gì về việc được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hỗ trợ sửa nhà?
- Từng có mạnh thường quân có nhã ý tặng tôi ngôi nhà rộng rãi hơn chỗ ở hiện tại nhưng tôi không nhận vì thấy không cần thiết. Tôi gắn bó với ngôi nhà này hơn ba năm nay nên không nỡ rời xa. Từ khi khán giả, đồng nghiệp biết hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó, họ thương tôi, tặng tôi tiền nhưng chưa ai nghĩ ra ý tưởng sửa sang lại chỗ ở như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Tôi trân trọng tất cả sự giúp đỡ của khán giả, bạn bè, đồng nghiệp dành cho mình từ trước tới nay và đánh giá cao hành động thiết thực của Hưng khi đứng ra kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp tôi có không gian sống tốt hơn. Tôi vui mừng và thật sự xúc động trước sự tận tâm của những người trẻ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Những nghĩa cử này giúp tôi có thêm động lực để vui sống, sáng tác và giúp đỡ những người khác trong khả năng chuyên môn của mình.
- Không gian sống mới của ông thế nào?
- Tôi vui mừng và phấn chấn khi đồ đạc được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ hơn. Tường được sơn mới, bớt ẩm mốc. Ngoài việc dắt xe máy ra vào khó khăn do nền khu vực bếp và chỗ ngủ được tôn lên, còn lại tôi khá hài lòng.
Sau khi mổ ung thư trực tràng, sức khỏe khá hơn, lại có chỗ ở tốt hơn nên tôi cũng hạn chế làm phiền vợ cũ - người chăm sóc mình trong suốt thời gian tôi nằm viện. Cô ấy đã phải gác lại công việc gia đình để tận tụy với tôi lúc ốm đau. Giờ tôi có thể tự lo cho mình nên vợ cũ yên tâm để tôi ở một mình, dăm bữa nửa tháng mới chạy qua thăm nom, sắp xếp nhà cửa.
Nhà mới khang trang hơn nhưng thiếu bàn tay phụ nữ nên nhìn vẫn bừa bộn. Nhiều khi muốn tìm thứ gì đó, tôi lại lục tung đồ đạc lên vì bình thường chỉ có cô ấy mới biết chúng được cất ở đâu.
Nhạc sĩ Vinh Sử trong ngày nhận chìa khóa nhà được sửa mới từ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. |
- Ông tự chăm sóc mình thế nào khi sống một mình?
- Cũng không có gì quá phức tạp. Cơm thì tôi ra ăn quán, quần áo một tuần mang ra tiệm nhờ giặt một lần. Ban đầu, tôi có nấu ăn nhưng ngẫm ra thấy tốn kém mà chưa chắc nấu ngon bằng ăn hàng.
Tôi hiếm khi ra ngoài mà cả ngày nằm nhà. Tôi sợ quên việc uống thuốc. Ngày tôi uống mấy cữ thuốc. Không có người nhắc, tôi để riêng thuốc ra từng bịch, treo trước mặt cho dễ nhớ. Uống xong loại nào lại hạ xuống, sáng sớm hôm sau lại treo lại. Cũng do không có ai nhắc mà tôi thường không tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng, đặc biệt là hút thuốc. Không hút thuốc, tôi thấy vừa nhạt miệng, vừa không có cảm hứng sáng tác.
Thi thoảng muốn đi tái khám, tôi nhờ bạn bè, anh em thân thiết chở đến bệnh viện. Thú thật, tôi sợ nằm bệnh viện nên thường hạn chế đi khám. Nhỡ khám xong, bác sĩ bắt nằm viện, vừa tốn kém, vừa chán nản, vừa bị tiêm, chọc đủ thứ thuốc vào người. Ở nhà một mình tuy thiếu thốn, tôi có nhiều thời gian sáng tác và chiêm nghiệm cuộc đời.
- Ông lo liệu sao trong trường hợp sức khỏe biến chuyển không tốt?
- Tôi học cách chấp nhận hoàn cảnh từ nhiều năm nay. Ở một mình, tôi thường xuyên đóng kín cửa để giữ không gian yên tĩnh, tập trung cho sáng tác. Nhỡ có đột quỵ hay đột tử trong nhà cũng đành chấp nhận số phận đến khi có người phát hiện ra. Riêng chỗ chôn cất, tôi đã lo liệu chu đáo cho mình nên cái chết đối với tôi nhẹ nhàng lắm.
Nhạc sĩ Vinh Sử trong ngôi nhà thiếu vắng bàn tay phụ nữ. |
- Con cái và những người thân khác quan tâm đến ông thế nào?
- Tôi có tất cả sáu người con với ba bà vợ. Sau khi ly hôn, nhà cửa tôi để lại hết cho vợ cũ và các con. Tôi cũng lo lắng công ăn việc làm, chỗ ăn ở cho cả sáu đứa con nhưng không mong chúng báo đáp lại mình khi về già. Các con đều có gia đình riêng, cuộc sống mưu sinh cũng khó khăn, lo thân chưa nổi lấy đâu lo cho người khác. Tính tôi cũng tự ái cao nên không cho phép chúng đến thăm. Khi xưa còn giàu có, khỏe mạnh không sao, giờ ra thế này, tôi không muốn hình ảnh mình ngày càng xấu đi trong mắt các con.
- Ở một mình, ông cảm nhận sao về nỗi cô đơn?
- Tôi không thấy mình cô đơn. Thậm chí tôi thích cảm giác được cô đơn. Có vậy, người nghệ sĩ mới có nhiều cảm hứng sáng tác. Mỗi khi hút thuốc, nhìn làn khói phả ra, tôi lại nảy sinh trong đầu bao ca từ, điệu nhạc cho tác phẩm mới. Do sống một mình, tôi có khá nhiều thời gian dành cho âm nhạc. Giờ tay yếu, tôi không sử dụng được guitar mà chỉ hình dung, mường tượng trong đầu sau đó ký âm ra giấy. Thời gian qua, tôi sáng tác được khá nhiều tình khúc Bolero nhưng cũng là để cho vui. Tôi không mơ mộng mình có thể sống sung túc như thời hoàng kim bán bài hát mà mua được xe hơi.
Văn bản bài hát "Nhẫn cỏ cho em" được Vinh Sử gìn giữ cẩn thận cùng hàng loạt tình khúc khác. Nhạc sĩ cho biết sau năm 1975, mỗi tờ nhạc thế này được phát hành với giá bảy đồng. "Bán được vài ngàn tờ là tôi có cả chục cây vàng", Vinh Sử nhớ lại. |
- Chi phí sinh hoạt và trị bệnh hàng ngày ông lấy từ đâu?
- Sau khi ra Hà Nội làm liveshow, tôi có dư hơn 20 triệu cầm về, thêm hơn 20 triệu của khán giả hâm mộ trực tiếp lên sân khấu tặng và hơn 50 triệu để dành. Trước đó, tiền khán giả ái mộ ủng hộ để chữa bệnh, tôi dành ra một khoản gửi tiết kiệm nên vẫn đủ chi tiêu tằn tiện. Ngoài ra, tôi vẫn lĩnh tiền tác quyền mỗi quý dù số tiền chẳng đáng bao nhiêu. Những bài hay, được hát nhiều đều đã được tôi nhượng bản quyền từ xưa.
- Dự định của ông trong những tháng ngày sắp tới là gì?
- Có chỗ ở đẹp hơn, sức khỏe được cải thiện, tôi thấy mình có nhiều hứng khởi cho việc sáng tác. Hàng ngày, ngoài thời gian đi bộ, tập thể dục cho thư giãn, tôi nằm ngẫm nghĩ sự đời, mộng tưởng ra những mối tình để tạo nên nhiều bài hát mới. Nếu có điều kiện, tôi sẽ nhờ ca sĩ thu âm những sáng tác gần đây của mình và phát hành tới đông đảo khán giả yêu nhạc Bolero. Tôi tính tiếp tục nhận học trò, đào tạo cả về thanh nhạc và sáng tác như trước đây tôi từng làm.
Châu Mỹ thực hiện